Skip to content

Cười ‘vỡ bụng’ với những ông chồng ngố

Chị Phương ở Lĩnh Nam – Hà Nội mỗi khi nhắc lại câu chuyện “ngố kinh thiên động địa” của chồng” là y như rằng lại được một mẻ cười đến “nứt” bụng. Chị cho biết: “Thường thì ông xã hiền lành nên rất thương và chiều vợ. Chưa bao giờ anh ấy nề hà hoặc khước từ sự nhờ vả gì đó của vợ. Hôm đó mình đến tháng, bụng thì đau, không đi mua được băng vệ sinh nên có nhờ cậy ông xã. Cũng thấy trước khi dắt xe ra khỏi nhà, ông xã gãi đầu gãi tai kiểu suy nghĩ thì mình lại cho rằng: “Dạo này bớt ngoan rồi nên vợ nhờ tí lại phải tính toán”. Mình định bụng chồng về là sẽ “chỉnh đốn lại” nhưng hóa ra không phải vậy và mình cũng chả chỉnh đốn gì được anh ấy…”.

Nói đến đây, chị Phương không nhịn được nên phá lên cười và đưa tay ôm bụng. Mất một hồi lâu kiểm soát lại cơn cười, chị mới tiếp tục: “Vừa dựng được cái xe, xách cái túi nilon màu đen vào đưa cho mình, chồng mới khảng khái hỏi. “Vì sao lại phân biệt được loại ban đêm với ban ngày? Loại ban đêm thì nó phát sáng à? Giống cái bóng đèn kia kìa…”. Nghe những gì chồng nói, mình mặc dù đau không thở nổi những cũng chổng chân lên trời ra mà cười. Lần sau cứ mỗi lần có cơ hội nhờ chồng là mình lại bảo: “Anh nhớ mua loại phát sáng được ấy”. Còn chồng mình lúc thấy vợ mặt đang “nhăn như quả táo tàu” bỗng cười nghiêng ngả khi nghe chồng hỏi thì cứ đứng nghệt ra, chả hiểu chuyện gì”.

Anh Thắng chồng chị Tuyết ở Ba Đình – Hà Nội được mệnh danh là “mọt sách” từ thời còn đi học. Giờ đây, làm nhân viên kiểm toán, suốt ngày anh chỉ lúi húi tiếp xúc với những con số khô khan. Nói về khoản tính toán và những con số kinh tế thì cả nhà không ai thông bằng anh. Tuy nhiên, chị Tuyết cũng không ngờ việc quá mải miết với những con số khiến anh “mù tịt” về nhiều vấn đề khác và trở thành một ông chồng ngố chính hiệu. Cũng chính vì “ngố không phân biệt tuổi” cho nên cả gia đình chị lắm phen được cười “no bụng”.

Chị Tuyết kể lại: “Hôm đấy trong mâm cơm tối, nhà mình có món canh bí. Lúc cả nhà đang ăn uống hàn huyên vui vẻ thì đột nhiên anh ấy thắc mắc không khác gì một đứa trẻ lên ba: “Buồn cười nhỉ sao người ta lại biến tấu câu ca dao một cách kỳ cục. Sao lại bảo ở bầu thì tròn, ở ống thì dài? Rõ ràng quả bầu nó tròn thế thì phải ví von với quả bí chứ”. Cả nhà mình nghe thấy vậy vừa choáng vừa cười chảy cả nước mắt”.

Chị Tuyết háo hức tiếp tục câu chuyện hài hước về chồng: “Không biết anh ấy bỏ công sức theo dõi bao ngày rồi nhưng hôm mình đang lúi húi dọn nhà thì anh ấy chạy lại khoe “phát hiện vĩ đại” của mình rằng: Máu của anh khiến con muỗi bị phê giống như người bị say rượu ấy. Mình cười cười cho rằng anh ấy đùa nhưng ông xã khẳng định chắc nịch: “Thật đấy, anh nói mà em không tin. Nó say nên cứ bay loạng choạng…”. Thế rồi chuỗi ngày sau đó, anh ấy mở toang cửa sổ cho muỗi bay vào nhà chỉ để chứng minh cho vợ điều mình nói là đúng.

Cho đến một hôm, anh ấy gọi giật giọng, bảo mình mau mau vào ngay. Mình vội vàng chạy vào thì thấy anh đang lom khom dưới sàn chỉ tay về phía con muỗi, bụng no căng máu, mặt hớn hở: Đấy em xem đi, anh đâu có nói sai, nó có bay lên được đâu, đảo như người say còn gì. Chỉ đến khi mình cười ngặt nghẽo, đi ra lấy cái vợt muỗi và nói với chồng cái bụng nó hút máu to như đốt tay đó mà bay ngon lành được thì mới tài, thì chồng mới vỡ lẽ”.

Chưa hết, chị Tuyết còn kể thêm: “Có lần vợ ốm, bố mẹ chồng thì đi du lịch. Không biết nghe ai mách rằng về nấu cho vợ bát cháo ăn vào là khỏe ngay. Thế là về nhà, anh ấy lúi húi vào bếp. Cả tiếng sau mang lên cho vợ một bát cháo… thập cẩm, trong đó có đủ các thứ không thể tưởng tượng nổi: cá khô, lạc, đỗ xanh, cà rốt, ruốc và sữa đặc. Hỏi anh ấy lý do nấu món cháo đặc biệt ấy thì anh hồn nhiên trả lời: “Trong nhà có gì là anh cho mỗi thứ một ít. Riêng sữa thì vì nghe mọi người bảo khi ốm thường nhạt miệng nên anh cho vào để em dễ ăn hơn”. Nghe chồng nói vậy, mình vừa thương vừa buồn cười. Cho đến tận bây giờ thi thoảng mình vẫn nhắc chồng về món cháo có một không hai ấy”.

Còn câu chuyện “khó đỡ” của anh Vinh – chồng chị Hằng ở Phú Thọ, mỗi khi bị ai đó mang ra nhắc lại là anh tìm cách lảng đi nơi khác. Anh Vinh thường có câu nói cửa miệng rằng: “Không ai tắm 2 lần trên cùng 1 dòng sông. Còn mình thì không bao giờ để phải xấu hổ dù chỉ một lần”. Thế nhưng trong thời khắc vợ đẻ thì anh ngoài việc khiến cho cả nhà cười nghiêng ngả vì chuyện chạy xộc vào phòng đẻ rồi tẽn tò chạy ra vì thấy vô số các chị nằm “không che đậy” thì chiêu “ăn vạ” bác sĩ sau hôm chị sinh con một ngày cũng khiến mọi người cười “miết mải”.

Chị Hằng vừa cười vừa kể lại: “Sau hôm sinh cháu thì mình thấy sản dịch ra nhiều, bụng lại tức tức. Cũng phát hoảng khi nghĩ đến tình huống sót rau thai thế nên mình khóc mếu nói với chồng và mọi người. Vừa nghe mình nói, thì chị gái chạy đi gọi bác sĩ đến thăm khám còn anh ấy thì hoảng loạn hơn cả mình, mặt mũi trắng bệch. Rồi không giữ được bình tĩnh anh ấy khóc rống lên: “Cứu vợ em với. Đừng để vợ em chết. Con em còn mới sinh…”. Mặc dù khi các bác sĩ đến thăm khám trước khi chuyển mình vào phòng làm phẫu thuật đã nói không có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng anh ấy nhất mực: “Không nghiêm trọng sao lại phải vào phòng mổ” rồi cứ thế anh ấy “ăn vạ” ở ngoài hành lang cho đến khi mình trở ra”.

Chị Hằng cho biết thêm rằng sau đợt “ăn vạ” ra trò ấy thì lần thứ 2 mình sinh, anh ấy không dám vào viện nữa vì ngại gặp lại các sĩ của kíp trực hôm đó.

Chuyên trang tư vấn tâm lý Thành Đạt : chuyên tư vấn tình yêu lứa đôi , tư vấn tâm lý học đường trẻ em , tư vấn hôn nhân , tư vấn sức khỏe cho mọi người

tình yêu, ông chồng
Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *