Skip to content

Tư vấn tâm lý học đường – những bất cập cần tháo gỡ

Từ những thông tin thu được sau chuyến đi, kết hợp với việc tham khảo thông tin, tư liệu liên quan đến hoạt động này, Ông Nguyễn Chí Sơn, Trưởng Phòng GDĐT huyện Thoại Sơn có bài viết trao đổi một số nhận định về vấn đề này.

 

1. Thực trạng đời sống tâm lý học sinh:

 

            Do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế-xã hội ngày càng sâu sắc, đa dạng và phức tạp, đời sống tâm lý học sinh nói chung, học sinh cấp trung học nói riêng đang có những biến động to lớn với nhiều biểu hiện đáng lo ngại. Các em thường gặp những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lí, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè…nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời,  thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc : nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường,.. thậm chí tự tử, gây án mạng.

 

 Tư vấn tâm lý học đường - những bất cập cần tháo gỡ, Tư vấn tâm lý học đường - những bất cập cần tháo gỡ1

2. Thực trạng hoạt động tư vấn tâm lý học đường tại các trường học:

 

        Trong vài năm gần đây, các cấp quản lý giáo dục đã bước đầu quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Trong Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư  số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), tại điều 16 mục 1 có nêu chức danh “ cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh”, tại điều 31 mục 6 nêu rõ : giáo viên làm công tác tư vấn cho học sinh là giáo viên trung học được đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ tư vấn; có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh và học sinh để giúp các em vượt qua những khó khăn gặp phải trong học tập và sinh hoạt.

 

Trong hoạt động này, mỗi địa phương đang có những bước đi và cách làm khác nhau, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đi đầu, các tỉnh thành khác đang trong giai đoạn thí điểm. Từ năm học 2009-2010, UBND Thành phố Hồ Chí Minh  đã phê duyệt cho trường THCS, THPT hạng I được 01 biên chế giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường.

 

3. Khó khăn của hoạt động tư vấn tâm lý học đường hiện nay còn gặp phải:

 

            Hoạt động tư vấn tâm lý học đường là hoạt động mới trong trường học, chưa có sự thống nhất trong phạm vi cả nước về mô hình tổ chức lẫn quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách,… Phần lớn các địa phương đang trong giai đoạn “mò mẫm”, một bộ phận các nhà quản lý giáo dục các cấp chưa quan tâm hoặc chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này. Mặt khác, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác tư vấn tâm lý học đường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

 

            Tại những trường có tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý học đường, các khó khăn chủ yếu gặp phải là:

 

            Học sinh thường ngại đến phòng tư vấn tâm lý để “trút nỗi lòng”  do các em có suy nghĩ “đến phòng tư vấn tâm lí là có vấn đề” hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ hoặc quỹ thời gian của học sinh ở trường đã kín vì lịch học. Mỗi khi gặp sự cố tâm lý mà không biết cách giải quyết, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè thân chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy cô giáo.

 

 Tư vấn tâm lý học đường - những bất cập cần tháo gỡ, Tư vấn tâm lý học đường - những bất cập cần tháo gỡ1

            Chưa có sự phối hợp chặt chẽ  giữa giáo viên tư vấn tâm lý và các giáo viên chủ nhiệm, giám thị; cán bộ Đoàn, Đội; cha mẹ học sinh… trong việc phát hiện học sinh có “vấn đề” để  chủ động tư vấn, hướng dẫn.

 

            Ở một số trường chưa có giáo viên tư vấn tâm lý chuyên trách, phòng tư vấn tâm lí  do một số thầy cô hoặc trợ lí thanh niên đảm trách. Do đó, hoạt động tư vấn tâm lý thiếu tính chuyên nghiệp, trong nhiều trường hợp các “nhà tư vấn nghiệp dư” gặp lúng túng hoặc khi trò cần chia sẻ, thầy cô lại có tiết dạy…

 

            4.Giải pháp đề xuất

 

            Sở GD&ĐT phối hợp với trường Đại học xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên tâm lý học đường để chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đủ chất lượng phục vụ hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong các năm tới. Trước mắt, khi điều kiện về nhân lực còn hạn chế, hình thành tổ “Tư vấn tâm lý học đường” cấp Sở, Phòng gồm một số cán bộ quản lý, giáo viên môn GDCD có tâm huyết và kinh nghiệm, đã qua tập huấn về hoạt động tư vấn tâm lý học đường.  Sở GD&ĐT cần có một chuyên viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp. Tổ Tư vấn tâm lý học đường của Sở là nòng cốt tập huấn, bồi dưỡng cho tổ Tư vấn tâm lý cấp Phòng, trường, kể cả đội ngũ giáo viên.

 

            Hoạt động tư vấn tâm lý học đường cần được bắt đầu ở cấp THCS vì học sinh ở cấp học này ở độ tuổi dậy thì hay độ tuổi “nổi loạn” có tâm sinh lý phức tạp. Thí điểm tổ chức “Phòng tư vấn tâm lý-hướng nghiệp” ở một số trường THCS, THPT hạng I; cùng với chế độ, chính sách hợp lý. Đối với các trường tổ chức “Phòng tư vấn tâm lý-hướng nghiệp” cần chú ý:

 

            -Thành lập tổ Tư vấn tâm lý do một thành viên BGH trực tiếp phụ trách. Phổ biến về mục đích, nội dung của hoạt động tư vấn tâm lý học đường để giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh hiểu và có cái nhìn đúng đắn với những học sinh tìm đến Phòng tư vấn.

 

            -Tổ Tư vấn tâm lý cần có mạng lưới cộng tác viên là GVCN, GV tổng phụ trách, cán bộ lớp để nắm bắt tình hình nhằm chủ động tư vấn hay tư vấn phòng ngừa; không thụ động chờ học sinh tự đến nhờ tư vấn. Các thành viên  Tổ Tư vấn tâm lý chủ động giới thiệu đến học sinh hoạt động của phòng tư vấn tâm lý qua trang tin điện tử của trường, trả lời thắc mắc của học sinh qua thư điện tử….tạo cho học sinh có nhu cầu và kích thích nhu cầu sử dụng tư vấn tâm lý học đường để nâng cao chất lượng cuộc sống, học tập của các em.

 

 Tư vấn tâm lý học đường - những bất cập cần tháo gỡ, Tư vấn tâm lý học đường - những bất cập cần tháo gỡ111

            -Bố trí Phòng tư vấn tâm lý-hướng nghiệp ở nơi kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho học sinh khi đến liên hệ; không dùng chung với các phòng khác. Nên trang bị một số sách, báo mà học sinh ưa thích trong phòng này.

 

            -Ngoài  việc tư vấn riêng khi học sinh có nhu cầu, Tổ tư vấn tâm lý cần tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo để tư vấn chung cho học sinh (tư vấn truyền thông)và tạo điều kiện để học sinh được đối thoại.

            -Tổ tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường khi thấy cần thiết có sự hỗ trợ đặc biệt.

 

            -Không chỉ tư vấn cho học sinh mà còn phải tư vấn cho cả cha mẹ học sinh để họ biết cách quản lý con cái và phát hiện sớm những tâm tư, biểu hiện của học sinh thì việc tư vấn cho học sinh mới thực sự hiệu quả.

 

            -Giáo viên tư vấn hay Tư vấn viên phải thân thiện, khéo léo gợi mở để học sinh “trải lòng” và phải giữ bí mật thông tin mà học sinh tiết lộ. Làm sao để học sinh tin tưởng và thích đến Phòng tư vấn tâm lý vào giờ ra chơi hay lúc rảnh rỗi để trò chuyện và được thấu hiểu.

 

            Như vậy, hoạt động tư vấn tâm lý thực sự cần thiết trong mỗi nhà trường, cần được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cấp quản lý giáo dục, nhằm cung cấp cho học sinh “liều thuốc tinh thần”, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý. Hoạt động này cũng giúp giải quyết những những khó khăn của học đường và của xã hội.

 

Chuyên trang tư vấn tâm lý Thành Đạt : chuyên tư vấn tình yêu lứa đôi , tư vấn tâm lý học đường trẻ em , tư vấn hôn nhân , tư vấn sức khỏe cho mọi người

 

Tư vấn tâm lý học đường, Tâm lý, Học đường
Rate this post

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *